Bộ mặt mùa xuân thường được mặc định bằng hình ảnh cỏ hoa tươi tốt, cây lá biếc xanh. Nhưng bằng ký ức tràn ngập niềm vui, người ta cũng cảm thấy mùa xuân trong những thân cành khẳng khiu. Ai đã một lần trải qua thời khắc chuyển mùa xứ lạnh, thời khắc cả vùng trời xám đen mênh mông được phun phủ một màu xanh như trong chớp mắt, mới cảm thấy hết niềm vui chờ đợi mùa xuân. Mới cảm thấy cành khô trên cây cũng hấp háy cười Mùa xuân với cây có duyên nợ bẩm sinh - duyên nợ của sự sinh chồi nẩy lộc, của cái đẹp tươi mới. Còn cây với kiến trúc là cái gạch nối rõ ràng nhất giữa kiến trúc với thiên nhiên, giữa thiên nhiên thứ hai đối với thiên nhiên thứ nhất của con người.
Cũng bởi vì kiến trúc, được xem như thiên nhiên thứ hai của con người, không thể là cây; nhưng cây, một phần quan trọng của thiên nhiên thứ nhất, đôi khi có thể là kiến trúc - đó là lúc những tán cây tỏa bóng cho một buổi picnic ngoài trời.
Hoặc gần hơn nữa, cây vừa có công năng sử dụng vừa trở nên một hình ảnh biểu tượng kiến trúc hẳn hoi, như cây đa (quán nước) đầu làng miền Bắc hay cây trâm già (nơi nghỉ ngơi, ăn trưa) ở giữa đồng bưng Đông Nam bộ…
Một kiến trúc sư giàu kinh nghiệm nghề nghiệp có nói: Sự sai lầm về quy hoạch mới thật là tai họa - Còn kiến trúc xấu ư? Chỉ trồng thêm cây cho trúng chỗ thì giảm xấu ngay. Có khi còn đẹp thêm nữa không chừng! Cho nên giữ một ít khoảng trống bên ngoài hay bên trong dành chỗ cho cây trong mỗi công trình kiến trúc là vô cùng cần thiết và… vô cùng lợi hại!
BÀI & ẢNH: KTS NGUYỄN VĂN TẤT